Home / Tin tức FPT Nam Định / Taxi đại chiến – Sự hủy diệt mang tính sáng tạo hay cái giá phải trả cho sự phát triển

Taxi đại chiến – Sự hủy diệt mang tính sáng tạo hay cái giá phải trả cho sự phát triển

Taxi đại chiến – Sự hủy diệt mang tính sáng tạo hay cái giá phải trả cho sự phát triển

Những ngày gần đây, trên đường phố lác đác một vài chiếc xe taxi dán 1 dòng khẩu hiệu phía đuôi xe, viết: “Đi taxi truyền thống là bảo vệ nguồn tài chính quốc gia”.

Ảnh minh họa

Cú đấm bất lực từ những người chạy xe ôm

Cuối năm ngoái, một số lái xe của Grab bị tấn công. Bạo lực nảy sinh bởi những người xe ôm truyền thống cho rằng họ bị cướp khách, bị mất đi sinh kế. Xung đột đã leo thang đến nỗi đã tồn tại chiến dịch truyền thông chuyển tải thông điệp rằng những người lái xe của Grab thực chất cũng chỉ là những người lao động bình thường, cũng có thân phận không khác gì những người chạy xe ôm…

Một người tham gia chiến dịch này về sau kể trong một lần ở trụ sở công an, anh chứng kiến hình ảnh người đàn ông chạy xe ôm gỡ mũ bảo hiểm đang đội quăng xuống sàn nhà. Người này gằn từng từ một, bảo rằng anh ta muốn gia nhập những thứ hiện đại kia nhưng không biết chữ. Anh bất lực với chiếc smart phone. Đó là một cuộc đối thoại bế tắc.

Những cú đấm không lối thoát giữa những người lao động nay đã được đẩy nâng tầm, trở thành câu chuyện của những doanh nghiệp kinh doanh vận tải.

Cuối tháng 4, trong cuộc họp ĐHCĐ Vinasun, ông chủ Đặng Phước Thành đã tuyên bố sẽ đâm đơn kiện Uber và Grab vì phá giá thị trường. Về sau, trả lời báo giới, phía Vinasun cho biết họ đang thu thập chứng cứ và sẽ theo kiện đến cùng, họ cũng không phải là đơn vị duy nhất.

Hay mới đây, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Nguyễn Văn Thanh cho biết những chiêu miễn phí giá dịch vụ của Uber, Grab khiến các doanh nghiệp taxi truyền thống đứng trên bờ vực phá sản.

“Thực tế cho thấy Uber và Grab đang cạnh tranh quyết liệt để triệt hạ nhau. Nhưng việc họ cạnh tranh về giá, chất lượng dịch vụ gây sức ép đẩy taxi truyền thống vào con đường phá sản”, ông Thanh nói.

Nhiều doanh nghiệp taxi truyền thống “tố” Grab, Uber trốn thuế, đóng thuế thấp nên mạnh tay giảm giá, khuyến mại, dẫn đến việc cạnh tranh bất bình đẳng. Thậm chí cùng một tuyến đường nhưng hai hãng này giảm giá 60-70% so với taxi truyền thống.

Ông Thanh cho rằng các Bộ ban ngành cần phải có hành động thanh kiểm tra lại việc nộp thuế của hai loại hình phương tiện mới này.

Bên cạnh đó, Hiệp hội Taxi Hà Nội cũng có văn bản gửi Cục Xúc tiến thương mại kiến nghị xử lý Grab, Uber khuyến mại tràn lan, vi phạm luật cạnh tranh. Hiệp hội này cho rằng sự bùng nổ của Uber, Grab làm phá vỡ quy hoạch phát triển vận tải hành khách công cộng bằng taxi mà nhiều địa phương xây dựng.

Cho đến nay, các Bộ ngành liên quan đã ghi nhận những kiến nghị này nhưng chưa đưa ra một kết luận chính thức nào. Tuy nhiên, ở góc độ thị trường, với tính năng vượt trội về giá cả và sự tiện lợi, Uber và Grab đang ghi điểm với người tiêu dùng hơn hẳn taxi truyền thống. Mặt khác, bản thân sự hình thành và phát triển của loại hình phương tiện mới này vốn đại diện cho cách mạng công nghiệp 4.0, vốn được nhận định là làn sóng không thể cưỡng lại được.

Sự huỷ diệt mang tính sáng tạo

Trong cuốn sách Đường tới thịnh vượng toàn cầu, GS. Michael Mandelbaum dành 6 trang viết về di sản của Joseph Schumpeter, nhà tư tưởng kinh tế có ảnh hưởng lớn nhất thế kỷ 20.

Di sản của ông chính là cụm từ chứa 2 từ trái ngược nhau, từ đó hình thành nên cách thức mang tầm quan trọng ảnh hưởng đến tương lai của nền kinh tế: “sự huỷ diệt mang tính sáng tạo”.

Schumpter cho rằng động lực giúp cỗ máy kinh tế vận hành chính là hàng hoá tiêu dùng mới, phương thức sản xuất hoặc vận tải mới, thị trường mới, hình thức doanh nghiệp mới được tạo ra. Các hoạt động thị trường không ngừng cải tổ cơ cấu nền kinh tế từ bên trong, liên tục phá huỷ những cái cũ và tạo ra cái mới.

Chính quá trình này đã giúp cho kinh tế tăng trưởng, và tăng trưởng kinh tế chính là “Chén thánh” của hoạt động kinh tế. Nó giúp cho mỗi người trở nên giàu có hơn, chính phủ được ủng hộ hơn, quốc gia hùng mạnh hơn. Tuy nhiên, như cách nói “không bữa ăn nào là miễn phí” đương nhiên, chúng ta phải trả giá.

Như Schumpeter đã viết, tăng trưởng có được là hoạt động sản xuất của những con người mới, hoặc ở địa điểm mới, hoặc theo cách thức mới, hoặc làm ra sản phẩm mới – hoặc kết hợp từ vài đến tất cả những yếu tố trên. Nó mang lại lợi ích cho con người với số lượng nhiều hơn, chất lượng tốt hơn và những ai đầu tư vào cách làm cũ sẽ thất bại.

Nghĩa là đi cùng với sự sáng tạo là những thói quen cũ bị mất đi, những doanh nghiêp cũ bị phá huỷ, những người mà công việc của họ được người khác làm hiệu quả hơn sẽ không còn tồn tại và mất việc.

Sáng tạo nhưng đồng thời cũng là sự huỷ diệt, việc làm, doanh nhiệp, toàn bộ một ngành, và những khách hàng, những vùng vệ tinh của chúng.

Nhớ lại năm 1846, khi Luật Ngũ cốc của Anh – vốn bảo hộ cho sản phẩm này bị huỷ bỏ, thị dân Anh và người lao động có được nguồn thực phẩm rẻ hơn, người nông dân Mỹ có lợi nhuận cao hơn. Đổi lại, những chủ sở hữu các khu đất trồng ngũ cốc rộng lớn trên khắp nước Anh và những người lao động trên khu đất đó lại nghèo đi, nhiều người trong số họ phải từ bỏ quyền sở hữu đất đai hoặc rời quê hương đi tìm công việc mới.

Schumpeter cũng nhấn mạnh rằng chắc chắn có sự xung đột, sự phản đối từ phía thua cuộc. Tuy nhiên, kinh tế tăng trưởng nhờ thị trường tạo ra người thắng – kẻ thua. Và phe thất bại phải hành động để tự vệ, bằng cách tiến hành những phong trào phản đối bất cứ thứ gì mà họ tin là đã làm tổn thương họ…

Trở lại câu chuyện xung đột giữa taxi truyền thống với những loại hình phương tiện mới, giả sử, có thể chứng minh được Uber hay Grab đang vi phạm và có chế tài để xử lý, nhưng nếu bản thân những hãng xe này không bắt kịp được dòng chảy của công nghệ, của lịch sử, có gì dám đảm bảo, họ sẽ không bị xoá sổ theo nghĩa đen.

Nghề lái xe ôm truyền thống cũng có thể trở thành những cái tên thuộc về quá vãng tương tự cái tên như chụp ảnh dạo, đánh máy, viết chữ thuê…

Trên đường phố giờ lác đác một vài chiếc xe taxi với phần đuôi xe được dán khẩu hiệu, viết rằng đi xe taxi truyền thống là bảo vệ nguồn tài chính quốc gia. Đó là một biện pháp tự vệ, chưa thành phong trào, đánh vào lòng yêu nước của người dân. Nhưng có lẽ cũng phải hiểu rằng, người tiêu dùng giờ thực dụng hơn trong mỗi quyết định của họ

– Trí thức trẻ –

error: Content is protected !!